Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nghẹn giọng, bật khóc khi nói về những mất mát của người dân do bão Yagi gây ra và khẳng định quyết tâm khắc phục hậu quả của cơn bão lịch sử này.
Chưa phân loại
Thủ tướng Phạm Minh Chính bật khóc – Thương Cảm
“Chúng ta đã nỗ lực hết mình. Chúng ta đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, chúng ta tìm cái còn trong cái mất… Song mất mát không gì có thể bù đắp được là tính mạng và tinh thần của người dân, những gia đình có người thân thiệt mạng”, người đứng đầu Chính phủ nói khi chủ trì hội nghị khắc phục hậu quả bão Yagi, sáng 15/9.
Theo Thủ tướng, Yagi là cơn bão lịch sử với cường độ rất lớn, giật đến cấp 17; tốc độ cao, sức tàn phá lớn; phạm vi rất rộng; diện tác động nhiều (người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế – xã hội); thời gian oanh tạc dài, diện rộng trên đất liền. Bão Yagi cũng gây thảm họa về sạt lở, lũ ống, lũ quét kinh hoàng; hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản; tác hại đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế, đặc biệt là tâm lý người dân.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, công tác dự báo cơ bản sát tình hình, ngoại trừ một số yếu tố như hậu quả của hoàn lưu bão chưa thật chính xác. Hơn 50.000 tàu cá được hướng dẫn về nơi tránh trú; 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản được sơ tán; 80.000 hộ dân với 130.000 người tại vùng ngập sâu được đưa đến nơi an toàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bật khóc khi nói về hậu quả trận lũ quét ở Làng Nủ, Bảo Yên, Lào Cai, sáng 15/9. Ảnh: Nhật Bắc
Tuy nhiên, bão Yagi và hoàn lưu vẫn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đến nay có hơn 350 người chết và mất tích; 2.000 người bị thương; 230.000 nhà ở, trụ sở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh bị tốc mái; 70.000 nhà bị ngập; 190.000 ha lúa bị ngập.
Những hậu quả nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan, còn do người dân chủ quan như một số người dân chưa tuân thủ khuyến cáo; lãnh đạo có nơi chưa quyết liệt; phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, sinh hoạt thiết yếu hằng ngày. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên là tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; bố trí chỗ ở tạm thời cho người mất nhà, có nhà hư hỏng; cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân; cứu chữa người ốm đau.
“Bằng mọi cách tiếp cận những nơi bị chia cắt, cô lập để hỗ trợ, tiếp tế người dân”, Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu tập trung lực lượng dọn dẹp vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh. Điện, sóng viễn thông và dịch vụ thiết yếu không được để mất. Cơ sở y tế, giáo dục cần sửa ngay để học sinh được đến trường, người bệnh được chữa bệnh. Trong tháng 9 này, tất cả học sinh trở lại trường. Địa phương nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Các đơn vị rà soát thiệt hại của nhân dân để hỗ trợ ngay. Những thôn bản bị vùi lấp, người dân bị mất nhà sẽ được tái định cư tại nơi an toàn trong năm 2024. “Nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ, nhà ở có nền cứng, vách cứng, mái cứng”, Thủ tướng yêu cầu.
Ông cũng chỉ đạo khôi phục sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng 7% năm 2024. Hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi bão. Bộ Tài chính giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng đề án khảo sát, đánh giá, phòng chống sạt lở trên cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án chống hạn mặn, sạt lở, sụt lún tại đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, triển khai chương trình khôi phục sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chống gậy, lội đến nơi lực lượng chức năng đang tìm kiếm nạn nhân mất tích vì lũ quét ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, chiều 12/9. Ảnh: Thanh Hằng