Từ khoa khám bệnh, GS Nguyễn Quang Tuấn rảo bước leo thang bộ lên tầng 4, khoa tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội). Hơn một tuần nay, những bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân đã quen với hình ảnh GS Tuấn khoác áo blouse đi đến từng buồng bệnh.
Ông Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ cùng phóng viên Tuổi Trẻ Online sáng 11-7 – Ảnh: NAM TRẦN
Gặp lại bệnh nhân từng điều trị sau 20 năm
Có mặt tại khoa khám bệnh từ sáng sớm, khi biết tin giáo sư Nguyễn Quang Tuấn trở về thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị, đã có nhiều người bệnh tìm đến. Người đến thăm khám, người đến chào hỏi động viên khi biết ông trở lại.
Vừa chụp CT trở về phòng bệnh, cụ Nguyễn Thị Hồng Vân (86 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội) – một trong những bệnh nhân đầu tiên giáo sư Tuấn thăm khám khi trở lại bệnh viện – không giấu được xúc động khi gặp lại vị bác sĩ đã đặt stent tim cho cụ hơn 20 năm trước.
Cụ Vân nói hơn 20 năm trước từng cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội và được bác sĩ Tuấn lúc bấy giờ đặt stent tim, cứu sống bà lúc nguy kịch. “Tôi rất bất ngờ khi gặp lại bác sĩ Tuấn tại Bệnh viện Hữu Nghị. Không nghĩ rằng lại có cơ duyên như vậy”, cụ Vân nghẹn ngào nói.
Sau khi hỏi han tình trạng sức khỏe, giáo sư Tuấn động viên cụ an tâm điều trị. Cụ cũng động viên giáo sư Tuấn tiếp tục cố gắng để điều trị cho nhiều bệnh nhân khác.
Ngay giường bên cạnh, cụ Phạm Thị Hạnh (80 tuổi, Hà Nội) khi nhìn thấy giáo sư Tuấn cũng cười nói: “Nghe tên lâu lắm rồi mà nay mới gặp, chúc mừng bác sĩ”.
Ông Tuấn hiện đang thực hành 12 tháng tại Bệnh viện Hữu Nghị – Ảnh: NAM TRẦN
Ông Tuấn cho biết việc học là suốt đời và là cả quá trình tu dưỡng của một bác sĩ – Ảnh: NAM TRẦN
Vui mừng khi được trở lại với nghề
Giáo sư Tuấn cũng không giấu được niềm vui khi được khoác lên mình chiếc áo blouse, đi từng buồng bệnh, được trở lại với công việc mà ông nói đã ngấm vào máu của mình.
Nói với Tuổi Trẻ Online về công việc hằng ngày của mình, giáo sư Tuấn chia sẻ công việc của bác sĩ thực hành là thăm buồng bệnh cùng bác sĩ, chia sẻ cùng các đồng nghiệp những ca bệnh.
“Hiện tôi vẫn đang trong quá trình thực hành 12 tháng theo quy định để được cấp giấy phép hành nghề, vì vậy chưa thể ký bệnh án, cầm dao mổ,… Nhưng tôi vẫn có thể cùng các đồng nghiệp hội chẩn những ca khó, đi buồng thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân theo những kinh nghiệm của mình”, giáo sư Tuấn nói.
Về việc phải thực hành 12 tháng để được cấp giấy phép hành nghề, giáo sư Tuấn cho rằng việc học tập liên tục là rất cần thiết trong bất kỳ ngành nghề nào, ngành y lại càng cần thiết hơn. Ông cũng chia sẻ trong suốt thời gian không hành nghề ông vẫn thường xuyên đọc sách, tài liệu y khoa do những người thân, đồng nghiệp gửi. Trong 12 tháng này ông sẽ tập trung vào công việc của mình để hoàn thành, sau đó quay trở lại khám chữa bệnh cho người dân.
Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn gặp lại bệnh nhân cách đây 20 năm mình đã chữa trị – Ảnh: NAM TRẦN
Ông Tuấn chọn Bệnh viện Hữu Nghị vì cho rằng ở đây nhiều bệnh nhân cao tuổi, ca nặng, cũng là cơ hội để ông cập nhật, nâng cao thêm tay nghề – Ảnh: NAM TRẦN
Khi được hỏi về việc tại sao lại xin thực hành ở Bệnh viện Hữu Nghị, giáo sư Tuấn chia sẻ khi còn công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, ông thường xuyên cùng các y bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị hội chẩn những ca khó. Bản thân ông cũng đến hỗ trợ trực tiếp bệnh viện.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Hữu Nghị còn là nơi điều trị cho cán bộ cấp cao, người cao tuổi có nhiều bệnh nền, mắc bệnh nặng và đặc biệt là tim mạch. Vì vậy, ông muốn thực hành tại đây để cùng các đồng nghiệp chăm sóc cho bệnh nhân.
Giáo sư Tuấn cũng nói từ hôm qua, khi mọi người biết ông đến Bệnh viện Hữu Nghị thực hành, rất nhiều đồng nghiệp, bệnh nhân đã gọi điện, nhắn tin chúc mừng, động viên. Ông cũng chia sẻ “sau mọi chuyện, giờ đây tôi muốn có thời gian tĩnh lặng, bớt những ồn ào để tập trung học tập và làm việc chuyên môn để tiếp tục hành nghề y cứu người”.