Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Cụ thể, dự báo đến 13 giờ ngày 18.9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km và mạnh lên thành bão, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240 km về phía đông, cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Đến 13 giờ ngày 19.9, bão di chuyển theo hướng tây, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng khoảng 250 km về phía đông đông nam, cường độ mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km.
Dự báo do tác động của áp thấp nhiệt đới và bão, khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (tức từ 62-74 km/giờ), giật cấp 10 (tức từ 89-102 km/giờ), biển động mạnh.
Khu vực bắc Biển Đông sóng biển cao 2-4 mét, vùng gần tâm bão 3-5 mét. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm vừa nêu đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Các mô hình dự báo liên tục cập nhật về đường đi của bão. Ban đầu, các dự báo cho rằng bão sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Các dự báo mới cho rằng bão sẽ hướng về các tỉnh trung Trung bộ.
Hiệu ứng bão đôi khiến diễn biến của bão số 4 rất khó lường
ẢNH: JMA
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, giải thích: Phía đông của Philippines đang có cơn bão số 14 (trên vùng biển tây bắc Thái Bình Dương) với tên quốc tế là Pulasan. Áp thấp nhiệt đới vừa vào Biển Đông sắp mạnh lên thành bão số 4. Hai cơn bão này đang tạo ra hiệu ứng bão đôi trên vùng biển tây bắc Thái Bình Dương.
Bão Pulasan và áp thấp nhiệt đới tương tác với nhau tạo thành 2 lốc xoáy khổng lồ quay ngược chiều kim đồng hồ. Bão Pulasan hình thành trước và mạnh hơn, cơn bão mạnh hơn sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn đến cơn bão yếu, có trường hợp nó biến cơn yếu hơn thành đuôi bão của nó.
Cơn bão Pulasan đang hướng về phía Trung Quốc. Các mô hình dự báo cho thấy, hướng đi của nó tương tự như bão Bebinca vừa đổ bộ vào nước này. Khi Pulasan hướng về phía bắc và áp thấp nhiệt đới vượt qua đảo Luzon và nó tạo một khoảng cách đủ xa với Pulasan thì mới mạnh lên thành bão.
Hiện tại, sức tác động của Pulasan đến áp thấp nhiệt đới giảm nhưng vẫn còn. Do ảnh hưởng từ sự tương tác của bão đôi nên đường đi của bão rất dễ lệch khỏi hướng ban đầu. Điều này làm cho đường đi của bão liên tục biến đổi gây khó khăn trong việc phòng tránh và ứng phó.
Ngoài ra, hiện nay có một bộ phận không khí lạnh từ phía bắc đang tràn xuống phía nam. Tuy không quá mạnh và ảnh hưởng đến nước ta nhưng cũng làm cho nhiệt độ khí quyển giảm, khiến bão không tăng cấp liên tục như Yagi nhưng khiến đường đi của bão thay đổi so với dự báo ban đầu.
“Thật ra, phía đông của bão Pulasan vẫn còn một vùng áp thấp khác đang mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, chúng tác động lẫn nhau. Chính vì vậy, diễn biến bão rất phức tạp nhưng đến thời điểm này có thấy bão số 4 sẽ không quá mạnh khả năng ảnh hưởng từ khu vực Bắc Trung bộ đến Trung Trung bộ”, bà Lan dự báo.