Chiêu “dương đông kích tây” của ông ngoại tôi tuy hơi “cồng kềnh” nhưng kết cục cũng chấm dứt cảnh nội chiến trong nhà kéo dài suốt gần chục năm qua.
Hôm nay khắp nơi mưa tầm tã, Hà Nội cũng ảm đạm vô cùng. Tôi xin nghỉ phép 3 hôm để ở nhà lo đám tang ông ngoại, ông vừa mất ngay hôm siêu bão Yagi quét qua.
Đáng lẽ ra ông tôi có thể sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Nhưng con cháu trong nhà “đấu đá” nhau liên tục để tranh giành tài sản, một mình ông ngoại phải gánh chịu không biết bao nhiêu áp lực tâm lý nên ông mới đổ bệnh nặng không qua khỏi được.
Ngoại có tất cả 5 người con. 3 người con đầu là gái, 2 người con sau là trai. Mẹ tôi là chị cả nên chuyện gì trong nhà cũng đến tay mẹ xử lý.
Chăm sóc ông bà ngoại cũng là mẹ tôi đứng ra phân chia nhiệm vụ, các dì các cậu chỉ việc làm theo thôi nhưng họ chưa bao giờ hòa thuận với nhau cả. Bao nhiêu năm qua, nội bộ gia đình bên ngoại nhà tôi cứ liên tục lục đục. Không cãi nhau thì cũng xô xát cái nọ cái kia, nhất là 2 cậu tôi có tính cách cực kỳ nóng nảy, chuyên khởi đầu gây sự với mọi người.
Tất cả hàng xóm trong khu ai cũng nói ông bà ngoại tôi đẻ ra 2 người con trai “phá gia chi tử”. Cậu lớn tuổi hơn tên là Minh, còn cậu út tên Mẫn. Ông bà đặt tên ý nghĩa như thế nhưng cuộc đời 2 cậu chả thấy sáng sủa chút nào. Năm nay các cậu ngoài 30 cả rồi mà tương lai ai cũng tối như hũ nút.
Cậu Minh mắc tật lăng nhăng, cậu Mẫn thì mê cờ bạc. Thế là bao năm qua dù không có công ăn việc làm ổn định nhưng 2 cậu “tiêu tiền” của ông bà rất đều. Nhà kiếm được bao nhiêu đều nhờ “công” 2 cậu mà “đội nón ra đi” cả. Cứ dăm bữa nửa tháng lại có người đến đòi nợ, hoặc mách là “Thằng Minh thằng Mẫn lại gây chuyện”.
Vì tính trăng hoa không sửa được mà cậu Minh có đến 2 đời vợ rồi. Chẳng ai chịu nổi cậu quá lâu, người vợ đầu cưới được 4 tháng đã bỏ, vợ hai vừa sinh con xong đã nộp đơn ly hôn. Rồi từ đó cậu Minh chẳng cần vợ con nữa, cứ cặp kè hết cô này đến cô khác. Dĩ nhiên tiền cậu chu cấp cho gái đều từ ông bà ngoại mà ra, chứ lương trông xe quán nhậu thì làm sao đủ được!
Cậu Mẫn thì thôi khỏi phải bàn. Cả nhà đều bất lực với cậu. Ít ra cậu Minh mỗi tháng chỉ dám năn nỉ xin ông bà 5-10 triệu thôi, chứ cậu Mẫn thì mỗi lần “báo nhà” cũng ít nhất trăm triệu. Cứ đến Tết là ông bà ngoại không ăn ngủ nổi, không nặn nổi nụ cười mà đón Giao thừa năm mới, bởi năm nào họ cũng chỉ lo chủ nợ của cậu Mẫn đến đòi tiền mà thôi. Có năm cậu Mẫn chơi liều quá, nợ hẳn 200 triệu, ông bà kiệt quệ không còn xu nào nên người ta dọa “chặt tay” con trai. Cuối cùng mẹ tôi phải đi vay mượn khắp nơi để trả hộ thằng em bất hiếu.
Dù rất chán 2 cậu quý tử nhưng ông bà tôi không từ mặt 2 cậu được. Đợt bà ngoại mất thì 2 cậu khóc cũng to, xong tu chí làm ăn được một thời gian khiến ai cũng tưởng cú sốc mất mẹ khiến Minh – Mẫn hoàn lương rồi. Ai dè đâu vừa qua 49 ngày bà thì cậu Minh bị 2 thiếu nữ kéo đến tận nhà đánh ghen, mách tội ngoại tình nhiều người một lúc khiến ông ngoại tôi sốc quá nhập viện!
Nội bộ gia đình bên ngoại rắc rối nên cuộc sống riêng của nhà tôi cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Bố mẹ tôi cãi nhau không biết bao lần, kí đơn ly hôn lên xuống không dưới chục cái. May nhờ có chị em tôi mà họ vẫn hòa giải được và tiếp tục ở với nhau đến tận bây giờ.
Sau khi bà ngoại mất thì sức khỏe ông ngoại cũng ngày càng giảm sút. Nhờ “công” cậu Mẫn lén bán xe lấy tiền ăn chơi mà 2 tháng trước, ông ngoại lên cơn đau tim, nằm liệt giường đến khi mất. Mẹ tôi với 2 dì tức giận lắm, mắng chửi cậu út suốt mấy ngày liền.
Ông vừa nhập viện thì 2 cậu đã lục lọi khắp nhà để tìm tiền vàng với giấy tờ tài sản. Cái gì ra tiền là 2 cậu không bỏ qua, còn gây sự với 3 người chị gái để tranh giành.
Tuy nhiên, tôi thấy mẹ với 2 dì có vẻ bình tĩnh lắm. Giống kiểu họ đã lường trước được tình huống 2 cậu sẽ làm gì khi ông sắp mất. Vốn dĩ gần chục năm qua 2 cậu đã liên tục tìm cách chiếm đoạt tài sản của ông bà rồi, nếu không phải nhờ mẹ tôi với 2 dì cứng rắn thì chắc ông ngoại tôi chẳng còn cái nhà nào để làm đám ma.
Mà kể cũng kỳ lạ. Hồi còn nhỏ, tôi nhớ bên ngoại rất có điều kiện. Ông bà còn nổi tiếng cả phố vì mua được xe ô tô đắt tiền, rồi sở hữu mấy lô đất mặt biển ở tỉnh khác. Nói chung là ông bà ngoại tôi giỏi kinh doanh, họ kiếm được rất nhiều tiền, chẳng qua vì 2 người con ăn chơi phá phách nên mới kiệt quệ gia sản.
Những năm cuối đời, ông ngoại tôi sống rất bình dị. Ăn uống đạm bạc, chẳng đi đâu chơi, cũng không mua sắm gì mới. Ngày xưa ông hay mặc vest đi giày tây, ngậm điếu xì gà lái xe khắp Hà Nội, chở vợ con đi cà phê Bờ Hồ, mua sắm ở Đồng Xuân như đại gia. Nhưng khi ốm yếu rồi thì ông chỉ mặc mỗi cái áo phông trắng giãn cả cổ ra, quần dài bạc sờn, mấy bộ pyjama cũ, đạp cái xe cà tàng đi khắp ngõ chợ.
Tôi tưởng vì các cậu “báo nhà” nên ông bà mới trở nên nghèo như vậy. Ai dè đó chỉ là màn kịch công phu mà ông ngoại dựng lên, cốt để không mất trắng tài sản vào tay 2 cậu.
Sự thật về màn kịch này chỉ vỡ lở khi quan tài của ông được đưa vào lò hỏa táng. 2 cậu điên cuồng truy tìm giấy tờ nhà đất ông bà để lại mà không thấy, họ đoán mẹ tôi giữ nên cứ liên tục quấy phá đe dọa. Ngay trong đám tang của ông ngoại, bề ngoài thì 2 cậu giả vờ khóc lóc ầm ĩ như kiểu có hiếu với cha nhưng đằng sau thì cầm cả dao để ép mẹ tôi khai ra chỗ giấu giấy tờ vàng bạc.
Mẹ tôi bình tĩnh lắm, kệ cho 2 cậu muốn làm gì thì làm. Trước sự chứng kiến của hàng trăm khách khứa đến viếng tang, mẹ tôi chỉ thẳng mặt 2 cậu kể tội rằng mọi của cải trong nhà đều bị 2 cậu phá sạch. Mẹ tôi với các dì cũng đã mất trắng rất nhiều tiền để trả nợ cho 2 em trai, vậy mà ông ngoại chết rồi 2 cậu vẫn cư xử tồi tệ như thế.