Sau khi vào nhà dân khất thực, trên đường đi ông Thích Minh Tuệ ghé lại bên đường để thọ thực. Người thân của ông cho biết, khoảng 4h sáng, ông đã rời khỏi túp lều nhỏ để bộ hành trên những con đường quen thuộc.
Sáng 11/6, ngày thứ 2 ông Lê Anh Tú (tên thường gọi là Thích Minh Tuệ) đi khất thực ở Gia Lai. Người thân của ông Tú cho biết, khoảng 4h sáng, ông Tú đã rời khỏi túp lều nhỏ để bộ hành trên những con đường quen thuộc mà nhiều năm nay ông không có dịp về thăm.
Ông Thích Minh Tuệ đi khất thực tại Gia Lai sáng 11/6. Ảnh Trần Hoàn
Sáng nay, người dân trong thôn đã đứng đợi bên đường để được nhìn thấy ông Thích Minh Tuệ… Đề phòng hiện tượng người dân đi theo đông, từ sáng sớm, lực lượng chức năng sở tại đã có mặt để đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn.
Khoảng 6h sáng, ông Thích Minh Tuệ đến trước cổng nhà chị Liễu (cùng thôn) để khất thực và được gia đình biếu một gói bánh. Tại đây, rất nhiều người dân đã chuẩn bị sẵn xôi, trái cây, nước uống để tặng nhưng ông Thích Minh Tuệ chỉ nhận vừa đủ rồi ra về.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Liễu (chủ nhà được ông Thích Minh Tuệ ghé gia đình xin khất thực) cho biết, mấy hôm nghe tin thầy về, người dân truyền nhau thông tin sáng nay thầy đi khất thực khắp thôn nên gia đình mở cổng từ sớm, nếu hữu duyên sẽ được gặp.
Ai cũng muốn đến gần, xin chụp ảnh – vì thế con đường làng vốn yên tĩnh bỗng trở nên ồn ào hơn thường ngày. Ảnh Trần Hoàn
“Thấy thầy đến cổng, sau chào hỏi tôi có biếu thầy gói bánh cốm và được thầy nhận. Lúc này nhiều người chuẩn bị xôi, trái cây đến biếu nhưng thầy chỉ nhận đủ thức ăn cho bữa sáng rồi quay về”, chị Liễu nói.
Chị Liễu kể “sau khi ra về được khoảng 1km, thầy ghé vào vườn cà phê bên đường để thọ thực. Đây cũng chính là vườn cà phê của gia đình – nên tôi thấy rất vui và thấy hữu duyên nên được thầy ghé…”.
Khi đến đường rẽ vào túp lều mà mấy hôm nay đang tá túc, ông Thích Minh Tuệ dừng lại nói: “Giờ tới đây rồi, gặp mặt được rồi, mọi người nên về làm công việc của mình…”. Một người phụ nữ xin phép được đảnh lễ, ông liền từ chối: “Ở ngoài đường không nên đảnh lễ, như thế là tốt đẹp rồi”.